MỨC PHÁT THẢI CÁC-BON CỦA CÁC LÒ ĐỐT RÁC THÀNH NĂNG LƯỢNG

Năm 2015, tại Paris, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã cùng đồng thuận về một kế hoạch tham vọng nhất nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh Thoả thuận này cũng như mục tiêu của nó nhằm giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C, công nghệ chuyển hoá rác thành năng lượng bằng phương pháp đốt (WTE) có lúc đã được đề xuất là một giải pháp để giảm phát thải các-bon trong lĩnh vực quản lý rác thải và năng lượng. Tuy vậy, giải pháp WTE không hề có mức phát thải các-bon bằng không.

Nghịch lý lớn

Tại châu Âu, công nghệ đốt WTE được thúc đẩy bởi một số bên như là một giải pháp thay thế cho chôn lấp trong lĩnh vực xử lý rác. Theo Eurostat, trong giai đoạn 10 năm, đến năm 2016, lượng rác được đốt đã tăng 30% (1). Số liệu cũng cho thấy trong vòng 10 năm qua, lượng CO2 phát thải từ các lò đốt rác cũng đã tăng lên gấp đôi. Trong năm 2017, các lò đốt tại 28 quốc gia EU đã thải ra hơn 40 tấn CO2 hoá thạch (2).

Lượng CO2 phát thải khi đốt một tấn rác phụ thuộc vào thành phần của rác đầu vào. Số liệu thống kê của Eurostat cho thấy phần lớn lượng rác được đốt tăng lên đến từ chất thải rắn sinh hoạt đô thị (MSW) vốn sản sinh ra rất nhiều CO2. 

Việc đốt một tấn MSW thông thường sẽ thải ra từ 0,7 đến 1,7 tấn CO2 (3). Lượng CO2 này bao gồm cả CO2 hoá thạch (như từ việc đốt nhựa) và CO2 hữu cơ (như từ đốt gỗ, giấy và thực phẩm). Mặc dù CO2 sinh học được phát thải trực tiếp vào khí quyển, gây ra những tác động rất lớn tới quá trình biến đổi khí hậu, nhưng chỉ có CO2 phát thải từ các nguồn hóa thạch mới được cân nhắc vì mục đích nghiên cứu toàn cầu – đây một lỗ hổng quan trọng trong việc giải trình các nguồn phát thải khí nhà kính.

Hơn hết, bằng chứng cho thấy rằng hơn một nửa lượng rác được đốt hiện nay hoàn toàn có thể được tái chế hoặc làm phân compost, tức là phần lớn các lò đốt rác tại EU đang được sử dụng để đốt các tài nguyên có giá trị và có thể được xử lý theo cách mang lại chất lượng môi trường tốt hơn. Các lò đốt WTE đang bị coi là một rào cản đối với việc gia tăng tỷ lệ tái chế rác, tạo ra một nhu cầu thay thế các tài nguyên rác với một chi phí môi trường đắt đỏ, và chi phí này đã không được tính đến trong các số liệu của Eurostat. 

Chúng ta có nên ngừng đốt rác?
Cường độ các-bon của các lò đốt tại châu Âu là rất lớn (540gr CO2/kWh) (4), gấp khoảng 2 lần mức phát thải các-bon từ các lưới điện trung bình của châu Âu (296gr CO2/kWh) (5) và lớn hơn nhiều so với các năng lượng được sản xuất từ các nguồn nhiên liệu hoá thạch như khí đốt.
Vì những hạ tầng này có thể hoạt động trong khoảng 20 – 30 năm, việc liên tục sử dụng các lò đốt đồng nghĩa với việc làm chậm tiến trình chuyển dịch rất khẩn thiết để chuyển sang các hạ tầng sản xuất năng lượng ít phát thải các-bon hơn như năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) đồng thời làm lung lay quá trình chuyển sang các hình thức xử lý rác ít phát thải khác, bao gồm cả việc tái thiết kế các sản phẩm nhằm tăng khả năng tái chế và tính lâu bền.
Việc tiếp tục phát triển các cơ sở đốt rác WTE mà phần lớn đang hoạt động kém hiệu quả so với mức trung bình của EU và tệ hơn là so với việc sản xuất điện từ các nhiên liệu hoá thạch truyền thống như khí đốt là hết sức vô trách nhiệm đối với môi trường. Nếu các quốc gia trên thế giới muốn hoàn thành tốt các nghĩa vụ của mình trong Thoả thuận Paris, họ rõ ràng phải giảm phát thải các-bon trong tất cả mọi ngành. Cụ thể, điều này có nghĩa là các quốc gia cần kêu gọi chấm dứt các nhà máy đốt rác để thay thế bằng các cơ sở xử lý chất thải thân thiện hơn với môi trường; còn đối với các quốc gia chưa triển khai công nghệ đốt rác, cần phải có cam kết không phát triển công nghệ này.
GHI CHÚ: 
[1] www.eea.europa.eu/themes/industry/industrial-pollution-in-europe/a-decade-of-industrial-pollution-data
[2] www.eea.europa.eu/publications/european-union-greenhouse-gas-inventory-2019/european-union-greenhouse-gas-inventory-2019
[3] assets.publishing.service.gov.uk/government/file/869265/Pollution-inventory-reporting-incineration-activities-guidance-note.pdf
[4] ukwin.org.uk/files/pdf/UKWIN-2018-Incineration-Climate-Change-Report.pdf
[5] cdn.eurelectric.org/media/4005/power-barometer-final-lr-h-3A4C4DC9.pdf

Link gốc: https://zerowasteeurope.eu/2020/03/understanding-the-carbon-impacts-of-waste-to-energy/