Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là mục tiêu lâu dài, nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế đất nước. Để bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) cũng như tiếp nhận chuyển giao công nghệ của các nước tiên tiến là giải pháp quan trọng.
Với quan điểm “phát triển kinh tế-xã hội nhanh, có hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”, Việt Nam đã đẩy mạnh việc phát triển công nghệ mới, sạch giúp bảo vệ môi trường. Điển hình là việc triển khai mạnh mẽ đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2020”được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg và chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước “nghiên cứu KHCN phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên”.
Từ các đề án, chương trình này đã nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng các loại chế phẩm sinh học để xử lý chất thải y tế, chất thải công nghiệp, chất thải chăn nuôi và các chất thải nguy hạikhác; các công nghệ dự báo thiên tai; hệ thống thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, cơ sở chăn nuôi, bãi rác… Tiêu biểu, như việc nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học BIOMIX1 trongxử lý chất thải gia súc, gia cầm và rơm, rạ thành phân hữu cơ đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường nông thôn và nâng cao năng suất cây trồng. Ước tính, cứ khoảng 60 tấn chế phẩmBIOMIX1 dùng để xử lý rơm rạ, phân gia súc, gia cầm sẽ cho ra khoảng 60.000 tấn phân hữu cơ sạch dùng cho sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất. Hay việc xây dựng hầm biogas vừa góp phần giải quyết vấn đề năng lượng vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng dân cư và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, các giải pháp kỹ thuật phòng tránh bão lũ đã được ứng dụng rộng rãi và ngày một hiện đại như: dự báo thiên tai trước 5 ngày, vận hành liên hồ chứa, quy hoạch các công trình thủy lợi, thủy điện, các chất phụ gia chống xói mòn đất…, đã giúp hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra mỗi năm. Hơn nữa, việc triển khai chương trình, đề án còn giúp đào tạo hàng trăm kỹ thuật viên về môi trường trong nước.
Tại các doanh nghiệp, việc ứng dụng các công nghệ mới giúp bảo vệ môi trường cũng được triển khai mạnh mẽ. Chẳng hạn tại các mỏ than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), từ khi áp dụng dây chuyền tuyển than hiện đại với các module công suất lớn lên đến 250.000 tấn/năm, 650.000 tấn/năm, vừa tận thu triệt để sản lượng than so với công nghệ cũ (tăng từ 20-30%), tăng năng suất lao động do được cơ giới hóa, giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường và bệnh nghề nghiệp cho người lao động do giảm mật độ các nguồn gây bụi và phát thải khí độc hại trên mỏ. Hay, nhằm ổn định sườn bãi thải, khai trường than, tại các mỏ than đã sử dụng giải pháp trồng cỏ vetiver. Chỉ sau hơn 1 năm trồng, loại cỏ này sẽ có bộ rễ chùm với chiều dài 1,2m -1,4m, tạo thành bộ lưới sinh học giữ cho đất đá trên sườn bãi thải không bị sạt lở…
Theo Luật Bảo vệ Môi trường, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có ứng dụng các giải pháp KHCN mới, sẽ được ưu tiên vay vốn từ các quỹ bảo vệ môi trường; trường hợp vay vốn tại các tổ chức tín dụng khác để đầu tư bảo vệ môi trường thì được xem xét hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hoặc bảo lãnh tín dụng đầu tư theo điều lệ của quỹ bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Nghị định số 04/2009/NĐ-CP của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường còn quy định rõ, các tổ chức, cá nhân khi có dự án đầu tư nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường sẽ được ưu đãi hỗ trợ về đất đai, vốn, miễn hoặc giảm thuế, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…Với những chính sách này, hy vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới để bảo vệ môi trường, góp phần tạo nên một môi trường xanh, sạch, đẹp./.
0 Comments